Lịch sử là một vũ trụ quan hàm chứa vô vàn bí ẩn và mật mã mà chưa có lời giải chính xác, lý giải cụ thể, chỉ có thể là những dấu ấn trong quá khứ gần gũi. Và tất nhiên lịch sử là một tiến trình không ngừng nghỉ của không gian và thời gian, người đời ước rằng có thể xuyên không mà trở về các giai đoạn cụ thể. Hai mặt của vấn đề luôn tồn tại song song và mâu thuẫn là tiền đề của mọi sự phát triển.
Tranh luận về Kinh dịch là của người Việt Nam hay Trung Quốc là một mệnh đề lịch sử bí ẩn như vậy.
Nội dung chính
1. Mạn đàm về quan điểm Kinh dịch là của người Việt Nam
Người Trung Hoa đã có 2000 năm để nói Kinh Dịch là của họ, có hơn vài ngàn tác giả với hơn mấy ngàn đầu sách luôn luôn khẳng định điều này khiến nó đã thành một sự thật hiển nhiên khó ai cãi lại được. Nhưng ngày nay đã có những chứng cứ cho chúng ta thấy rằng nguồn gốc của Kinh Dịch được tìm thấy ở Việt Nam.
Trong cuốn “Kinh Dịch di sản sáng tạo của Việt Nam” do tác giả Nguyễn Thiếu Dũng biên soạn, ông đưa ra nhận định: “Tôi muốn nói đến Kinh Dịch đứa con lưu lạc của Việt Nam đã được Trung Quốc nuôi dưỡng và đã thành danh ở đó”.
Cuốn sách được viết bằng sự cẩn trọng, có những chứng cứ xác thực, lập luận chặt chẽ để minh chứng rằng Kinh Dịch có khởi nguồn từ thời đại Hùng Vương, đặt nền móng cho văn hoá Việt Nam. Nhờ đó, Việt Nam ta dù trải gần 1000 năm Bắc thuộc vẫn kiên cường và không bị đồng hoá. Tác giả sử dụng những chứng lý vật thể, chứng lý ngôn ngữ học, chứng lý hình đồ tượng để chứng minh xuất phát điểm của Kinh Dịch. Và khẳng định rằng “không biết từ thời điểm nào người Trung Hoa đã tiếp thu được Kinh Dịch của Việt Nam và dùng để phát triển nền tảng văn hoá của họ”.
“Một con chim én không đủ làm nên mùa xuân”, một mình tác giả Nguyễn Thiếu Dũng khó có thể chứng minh Kinh dịch bắt nguồn từ Việt Nam. Nhưng, hy vọng rằng với những chứng lý xác đáng và tinh thần đi đến tận cùng để tìm tòi của tác giả sẽ là động lực tinh thần to lớn cho các tác giả khác trên đường tìm ra sự thật.
Bởi lẽ đó, câu hỏi mà rất nhiều học giả đã đưa ra khi nghiên cứu Kinh Dịch, đó là Kinh Dịch là của Việt Nam hay Trung Quốc? Vì thế đã có rất nhiều tranh luận, những công trình nghiên cứu đã viết về vấn đề này. Các công trình đều cố đưa ra những luận cứ thuyết phục nhất để chứng minh rằng Kinh Dịch là thuộc về Việt Nam. Đây không chỉ đơn giản là việc tìm ra sự thật của một kho báu nhân loại, mà đó còn là sự tự tôn dân tộc, sự khẳng định về nguồn gốc khai sinh của giá trị nhân loại.
Lịch sử thì vẫn là lịch sử, là quá khứ, là bí ẩn và khó mà phân định thực hư một cách tỏ tường. Có lẽ Kinh Dịch là một sự “cứu thế” dành cho nhân loại của các bậc Tiên Thánh trên cõi Trời. Kinh dịch dường như đã xuất hiện trước tất cả các nền văn minh trên Trái Đất này. Nó được hình thành trên lục địa Châu Á trải dài, khai sinh ra một nền văn minh cao cấp cổ xưa mà chúng ta có thể không biết tới. Nền văn minh ấy lớn mạnh, phát triển và khai sáng trên toàn thế giới này. Tất nhiên không gì là vĩnh cửu, loài người tồn tại không thể tránh khỏi tuần hoàn và nhân quả. Nền văn minh ấy có thể bị kết thúc bởi một thảm họa hủy diệt nào đó. Những tàn tích, di chỉ sót lại của nền văn minh ấy được phân bổ trên toàn thế giới, được loài người cổ đại thế hệ sau kế tục và biến thành những văn minh của mình, đại thể có thể kể tới như văn minh của Ai Cập, văn minh Ấn Độ, Hy Lạp, La Mã, văn minh Maya, văn hóa Khmer, văn minh Trung hoa và văn minh Việt Nam.
2. Người Trung Hoa nói gì về nguồn gốc của Kinh dịch?
Người Trung Hoa có những chứng cứ của riêng mình về việc Kinh dịch có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đồng thời, đa số các bài viết đều phỏng theo truyền thuyết về Phục Hy và khẳng định vấn đề này. Họ đưa ra những chứng cớ dựa trên những di sản, vật chứng còn sót lại. Trung Quốc là nơi không chỉ còn sót lại nhiều di chỉ, tàn tích của người cổ đại cũng như là nơi đã sinh ra những thiên tài lỗi lạc. Đó là Phục Hy (theo như truyền thuyết), sau là Chu Văn Vương Cơ Xương – những người được coi là có công phát hiện, hệ thống hóa những triết lý định hình cơ bản đầu tiên của cái gọi là Kinh Dịch. Sau đó Khổng Tử và Chu Công đã bổi đắp, chú giải và biến Kinh Dịch có hệ thống, cụ thể, tường tận. Vì lẽ đó nên người ta mới cho rằng Trung Quốc là nơi sản sinh ra Kinh Dịch.
Văn minh Trung Quốc hình thành và phát triển trong sự ổn định, qua rất nhiều triều đại lịch sử kéo dài vài trăm năm, và xu thế đi xâm chiếm mở rộng lãnh thổ, đồng hóa các vùng đất lân cận khác là phương châm chiến lược. Việt Nam ta cũng có bề dày lịch sử như vậy, đáng tiếc chúng ta là một nước nhỏ, luôn bị các thế lực phương Bắc xâm chiếm và tìm cách đồng hóa, cũng như như cướp bóc phá hoại, minh chứng là 1000 năm Bắc thuộc vẫn còn đó trong Sử sách. Bởi vậy, chúng ta không có nhiều điều kiện để nghiên cứu, duy trì và khẳng định những chứng lý ấy.
3. Chứng cứ cho thấy Kinh dịch xuất phát từ Việt Nam
Năm 1970, Giáo sư Kim Định đã tuyên bố “Kinh Dịch là của Việt Nam” trong tác phẩm Dịch Kinh linh thế, tiếp sau đã có nhiều người mạnh dạn đề xuất những chứng cứ như Nguyễn Xuân Quang, Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Trần Quang Bình, Hà Văn Thùy, Nguyễn Quang Nhật, Nguyễn Việt Nho, Trúc Lâm …
Căn cứ vào những hoa văn trên đồ gốm Phùng Nguyên và đồ đồng Đông Sơn thì Việt tộc đã ghi khắc những quẻ Dịch trước Trung Quốc và sớm hơn chứng liệu của Trung Quốc. Chứng liệu của Việt tộc trực tiếp từ tượng quẻ không phải qua suy luận từ số đến tượng như Trung Quốc. Có đầy đủ 8 quẻ đơn và một số quẻ kép trên đồ đồng Đông Sơn. Những quẻ này có thể đọc thành văn bản phản ánh tư tưởng quốc gia Văn Lang. Và còn nhiều nữa những chứng cớ về 8 quẻ đơn, 64 quẻ dịch chứng tỏ đã xuất hiện tại Việt Nam từ rất sớm.
Trước một bộ “Kinh dịch” lấy lời quẻ làm nội dung cơ bản, có những người giải thích từ phương diện này, có những người phân tích thêm từ phương diện kia, có những người lại phát triển thêm từ một phương diện khác, để viết nên nhiều tác phẩm các dạng, viết thành mười mấy vạn lời, mấy chục vạn lời, thậm chí tới hàng triệu lời muôn màu nghìn sắc, thậm chí còn quái dị, khiến cho độc giả không hiểu nổi, có những chỗ còn đọc không ra, chẳng khác nào một cuốn sách trời.
4. Kinh dịch trong cuộc sống của người Việt Nam
Chúng ta sẽ không bàn nhiều tới vấn đề gây tranh cãi là Kinh dịch của Việt Nam hay Trung Quốc, mà vấn đề ở đây là chúng ta nên trân trọng và nâng niu một tài sản có giá trị như Kinh dịch. Đồng thời nên ưu tiên vận dụng và phát triển hệ giá trị đó trong cuộc sống mỗi chúng ta. Vì dù sao đi nữa, những thứ sinh ra để phục vụ con người, vì sự trường tồn của con người sẽ là những điều tốt đẹp. Còn việc tìm ra sự thật đó là việc của lịch sử và của quá trình nghiêm cứu, tìm tòi.
Kinh dịch với người Việt Nam, tất nhiên cũng mang những màu sắc riêng để phù hợp với lối sống con người cũng như văn hóa Việt Nam.
Lời Kinh của Kinh dịch ở dạng Hán tự, chữ Nho mang tính tượng hình, các nho sĩ của ta đã sáng tạo ra chữ Nôm để dễ bề đọc hiểu và luận giải hơn. Chúng ta tiếp nhận thành tựu của Kinh dịch như một xu thế với tinh thần đi tắt đón đầu, từ đó bỏ qua phần gai góc trìu tượng nhất mà sử dụng Kinh dịch như một thể ứng dụng và nghiệm chứng.
Căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể nước ta mà những nghiệm chứng nghiệm lý cũng có những thay đổi cho phù hợp. Các tổ chức nghiên cứu đặc thù như Dịch lý Việt Nam, Nghiệm lý Việt Nam hay Kinh Dịch hội quán Việt Nam cũng từ đó mà ra đời.
Kinh dịch là của Việt Nam, đây vẫn là tiền đề mở cho các nhà nghiên cứu Sử học, các nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian của nước ta. Trên hết chúng ta vẫn có quyền nghĩ Kinh dịch là di sản sáng tạo của người Việt cổ đại, để bồi đắp thêm lòng tự tôn dân tộc và tinh thần yêu nước. Mặt khác những thành tựu của Kinh dịch là cực kì giá trị, là thứ tài sản tinh thần vô giá, rất đáng để chúng ta học hỏi, tìm tòi và vận dụng, phát huy một cách triệt để trong các lĩnh vực của cuộc sống ngày nay.